
UAE Đề Nghị OPEC+ Tăng Sản Lượng, Giá Dầu Thô Chịu Áp Lực Bán Trong Ngắn Hạn
Thị trường hàng hóa, giá dầu toàn cầu hôm thứ Tư giảm mạnh nhất trong gần hai năm do tâm lý thị trường lo ngại trước việc UAE – một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC – cho biết họ ủng hộ việc OPEC+ tăng thêm nguồn cung dầu vào thị trường để tránh việc bị đứt gãy nguồn cung do các lệnh trừng phạt Mỹ dành cho Nga sau cuộc tấn công Ukraine. UAE còn được biết đến như một đồng minh thân cận của Mỹ. Quốc gia này và nước láng giềng Saudi Arabia là một trong số ít thành viên OPEC có năng lực dự phòng có thể tăng sản lượng, và có khả năng đáp ứng được hạn ngạch sản xuất của OPEC hiện nay.
OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các nước đồng minh, được dẫn dắt bởi hai quốc gia có sản lượng hàng đầu trong khối là Nga và Ả Rập Xê Út. Khối liên minh được dẫn dắt trong cuộc họp quyết định gia tăng sản lượng hàng tháng bởi Uỷ ban Giám sát hỗn hợp cấp Bộ trưởng (JMMC), với sự đi đầu bởi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út và đồng Chủ tịch-Alexander Novak, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Liên bang Nga. Do bản thân OPEC là một khối căn ten (cartel), nên việc tăng hạn ngạch sản xuất của bất kỳ quốc gia nào trong khối hoặc chính sách sản xuất của họ cũng cần phải có được sự thống nhất, dựa trên lợi ích chung của các nước thành viên.
Xét về mặt lợi ích, việc Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga cho các công ty nội địa có nghĩa là Nga sẽ không được hưởng lợi trong cuộc đấu tranh gia tăng sản lượng này. Bên cạnh đó, Ả Rập Xê Út được tin rằng không có lợi ích trong việc tăng nguồn cung để giảm bớt đà tăng của giá dầu trong năm 2022. Nhiều nước thành viên còn lại trong khối Opec+ cũng được cho rằng chưa có đủ tiềm lực kinh tế và kỹ thuật để gia tăng sản lượng, do đã liên tục sản xuất dưới mức hạn ngạch được đặt ra trong nhiều tháng liên tiếp kể từ 07/2021.
Tầm quan trọng của giá dầu đối với nền kinh tế của Ả Rập Xê Út
Ả Rập Xê Út là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất trên thế giới và xếp hàng đầu trong khối liên minh OPEC+ về mặt sản lượng. Đối với Ả Rập Xê Út, thu nhập từ dầu mỏ chiếm đến khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu và gần 90% doanh thu tài khóa quốc gia, đồng thời cũng là lĩnh vực chiếm hơn 40% GDP tổng thể. Sự bùng nổ giá dầu với mức tăng 200% từ năm 2003-2014 đã mang lại cho Ả Rập Xê-út tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trung bình 5% hàng năm và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của vương quốc này cũng đã tăng gấp ba lần về quy mô. Kết quả là, nền kinh tế Ả Rập Xê-út đã tăng từ vị trí lớn thứ 27 trên thế giới từ năm 2003 trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 vào năm 2014, khi giá dầu đạt khoảng 108 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong năm 2015, khi giá dầu giảm mạnh xuống mức khoảng 40 USD/thùng, thâm hụt tài chính chính phủ đạt gần 100 tỷ USD, tương đương 15% GDP năm 2015. Ả Rập Xê-út cũng ghi nhận mức thâm hụt trong cán cân vãng lai, lần đầu tiên kể từ năm 1999 đạt -41 tỷ USD, tương đương 6.4% GDP trong năm 2015. Thâm hụt trung bình là 10% GDP trong giai đoạn 2016-2020, do việc cắt giảm chi tiêu và chi phí sản xuất không thể bù đắp hoàn toàn cho sự suy yếu kéo dài của giá dầu.
Đối với các quốc gia có các công ty dầu khí thuộc sở hữu độc quyền của nhà nước như Ả Rập Xê Út và Nga, mức giá dầu hoà vốn tài khoá là một trong các yếu tố quyết định sản lượng dầu thô. Giá dầu hòa vốn tài khoá (FBOP) là mức giá dầu cần thiết để cân bằng ngân sách của một quốc gia chuyên xuất khẩu dầu, dựa trên phân tích tổng thu chi của quốc gia và mối quan hệ giữa doanh thu và giá dầu. Có thể thấy, để đạt được mức hoà vốn cho chi tiêu 1012 tỷ riyal, Chính phủ Ả Rập Xê Út cần có mức giá dầu trung bình là 82.4 USD/thùng. Chưa kể, Ả Rập Xê-út cho biết họ sẽ đặt mục tiêu thặng dư ngân sách lần đầu tiên trong gần 10 năm vào năm 2022, để lấp đầy kho bạc nhà nước do đại dịch coronavirus gây ra. Quốc gia này cho rằng sẽ đạt mục tiêu thặng dư 90 tỷ riyals (23.99 tỷ USD), từ mức thâm hụt 19.6 tỷ USD trong năm 2021 (chiếm 2.5% GDP). Điều này cần có nguồn lực từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu xuất khẩu dầu, đến từ việc tăng giá của dầu thô.
Khả năng gia tăng sản lượng của Ả Rập Xê Út
Bên cạnh việc có mức sản lượng hàng đầu trong khối 13 quốc gia trong Liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, Ả Rập Xê Út còn là quốc gia có mức công suất dự phòng chiếm hơn 30% mức công suất còn lại có thể được sử dụng để gia tăng sản lượng của OPEC. Theo nhiều nguồn dữ liệu, mức công suất dự phòng của quốc gia này chiếm khoảng 2-2.5 triệu thùng/ngày, đồng nghĩa với việc mức sản lượng tối đa mà quốc gia này có thể đạt được là 12.3-12.5 triệu thùng/ngày so với mức 10 triệu thùng/ngày như hiện nay.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dầu thô được sản xuất trên toàn thế giới từ nhiều địa điểm và cách thức khác nhau, bao gồm khai thác từ các loại giếng dầu truyền thống, giếng nước biển sâu (đại dương), quá trình làm nứt vỡ đá phiến dầu hoặc cát hắc ín của Canada. Tuy nhiên, do tính chất địa hình quốc gia, việc tận dụng công suất dự phòng ở các vùng biển nước sâu của Ả Rập Xê Út để gia tăng sản lượng vẫn còn nhiều hạn chế, điển hình là chi phí cao và có thể dao động lên đến 90 đô la cho mỗi thùng dầu thô được sản xuất. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức tăng giá trung bình 5 USD/thùng đối với loại dầu nhẹ Ả Rập được xuất khẩu đầu ra đến Châu Á kể từ đầu năm 2021 đến nay. Xét về mặt lợi ích kinh tế với Chính phủ, với giá dầu dao động ở khoảng 110 USD/thùng, việc sử dụng công suất dự phòng để gia tăng sản lượng được cho là chưa phải lựa chọn hợp lý.
Do đó, với việc UAE kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng như hiện nay – điều gần như sẽ khó được đáp ứng – giá dầu thô được tin rằng sẽ chỉ bị tác động tiêu cực từ tâm lý thị trường trong ngắn hạn, nhất là sau đà tăng mạnh mẽ trong nhiều tuần qua kể từ cuộc tấn công chính thức của Nga vào Ukraine vào ngày 24/02/2022. Trong tương lai, yếu tố thiếu hụt nguồn cung so với tiêu thụ và rủi ro nhập khẩu dầu thô từ Nga – chiếm khoảng 7% thị phần xuất khẩu toàn cầu – do tác động từ lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ sẽ tiếp tục là yếu tố cơ bản chính dẫn dắt đà tăng của giá dầu thô kỳ hạn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN GIAO DỊCH PHÁI SINH HÀNG HÓA MIỄN PHÍ TỪ CHUYÊN GIA
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Công Ty Cổ Phần Saigon Futures
- MST: 0315173341.
- Hotline: 028.6686.0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures.
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm.
- Trụ sở chính: 506 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
- VPGD Hà Nội: Tầng 9, Tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
- VPGD Sài Gòn: Tầng 1 tòa nhà Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.