
Hai báo cáo quan trọng từ Bộ Nông Nghiệp Mỹ gây ảnh hưởng lớn đến giá nông sản
Nội dung chính
Thị trường hàng hóa, thị trường nông sản các hàng hóa chính giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đang trong tâm thế phòng thủ chặt chẽ trước biến động chung từ thị trường tài chính thế giới, tâm điểm vẫn là chờ đợi các quyết định từ ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới là FED. Tuy nhiên, nhóm nông sản sẽ còn tiếp tục đối diện với hàng loạt các báo cáo quan trọng hàng đầu từ bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mà mỗi khi báo cáo được công bố, biến động giá tại thời điểm đó luôn làm cho giới đầu tư sửng sốt. Trong đó, có hai báo cáo đặc biệt đáng lưu ý là: Báo cáo Tồn kho Ngũ cốc (Grain Stocks) quý 4 và Báo cáo Cung – cầu mùa vụ thế giới (WASDE) tháng 1/2022.
Tồn kho đậu tương và ngô có khả năng cao hơn so với cùng kỳ năm trước
Trước khi các số liệu chính thức trong báo cáo Grain Stocks từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, các nhà phân tích hàng hóa trên thế giới đã đưa ra các dự đoán về số liệu, các số liệu này có thể phản ánh cho nhu cầu tiêu thụ trong thời gian vừa qua. Mặt khác, để so sánh biến động các số liệu cần so sánh với mức cùng kỳ năm trước vì tồn kho có tính chu kỳ sẽ ở mức cao vào đầu vụ (vì lúc này bắt đầu thu hoạch) và giảm dần về cuối vụ.
Theo khảo sát từ Reuters, đối với ngô đa phần các nhà đầu tư đều dự đoán các số liệu sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, mức ước tính thấp nhất rất sát với số liệu cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy mức trung bình mà thị trường đưa ra là 11.602 tỷ giạ, cao hơn 300 triệu giạ so với cùng kỳ năm trước. Đối với đậu tương, các nhà phân tích bày tỏ sự lạc quan hơn bởi số liệu đoán định thấp nhất (vùng từ 2.975 – 3.227 tỷ giạ) đã cao hơn so so với mức cùng kỳ năm trước. Tồn kho lúa mì của Mỹ đã thấp hơn so với cùng kỳ năm trước ở nhiều báo cáo do sản lượng lúa mì 2021/22 của Mỹ không thực sự tốt, nếu các nhà phân tích dự báo tồn kho thấp hơn cũng không có gì bất ngờ.
Mặc dù nhìn chung các số liệu ước tính trung bình tồn kho ngô là tăng so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn một số tổ chức khá thận trọng ước tính tồn kho ngô sẽ thấp hơn. Chẳng hạn trong vùng ước tính vẫn có tổ chức nhận định rằng tồn kho ngô quý 4 sẽ ở mức 11.2 tỷ giạ, thấp hơn so với tồn kho cùng kỳ năm trước.
Các yếu tố cơ bản cho nhận định dự báo tồn kho tăng so với vụ trước từ sản lượng tăng cao hơn, xuất khẩu chậm do tác động từ cơn bão Ida đầu tháng 9. Sản lượng ngô vụ 2021/22 ở mức 382.59 triệu tấn, ước tính cao hơn so với vụ trước là 358.45 triệu tấn. Ngoài ra, các đơn hàng bị ứ đọng do tác động từ cơn bão Ida vào cảng xuất khẩu chính New Orleans của Mỹ – một trong những cảng xuất khẩu nông sản bậc nhất của Mỹ về ngô. Cuối cùng là việc thu mua chậm lại của Trung Quốc cũng đang củng cố cho bên dự báo tồn kho tăng.
Ngược lại, bên dự đoán giảm có thể nhận thấy, hoạt động giao hàng đã được đẩy mạnh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi bão Ida và hiện tại xu hướng giao hàng đang khá sát với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó là lượng ngô dùng sản xuất ethanol là duy trì ổn định ở mức trước dịch Covid-19 hàng tuần, thậm chí đạt đỉnh điểm vào tháng 10. Báo cáo Grain Crushings ghi nhận lượng ngô dùng sản xuất ethanol trong tháng 10 tại Mỹ đạt 469 triệu tấn, tăng 15% so với tháng trước và tăng đến 8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó nếu có tổ chức dự báo rằng lượng ngô đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cũng không hoàn toàn sai.
Đối với đậu tương thì câu chuyện rõ ràng hơn, sản lượng đậu tương vụ 2021/22 được dự báo ở mức 120.43 triệu tấn cao hơn so với vụ trước là 114.75 triệu tấn. Sản lượng tăng cao hơn nhưng tiêu thụ đậu tương trong thị trường nội địa dùng cho việc ép dầu không có sự cải thiện đáng kể. Theo các số liệu trong báo cáo Fats and Oils, ép dầu đậu tương tính dồn từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021 đạt 16.54 triệu tấn, thấp hơn 0.9% so với cùng kỳ năm trước là 16.69 triệu tấn. Tiếp theo vẫn là câu chuyện xuất khẩu tại cảng New Orleans bị dùng ứ do cơn bão Ida, nhưng then chốt hơn là các đơn hàng đậu tương sang Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Điều này khiến cho tổng lượng đậu tương giao ra nước ngoài của Mỹ chậm lại vì khối lượng giao đậu tương sang Trung Quốc luôn chiếm hơn 50% trong tổng khối lượng giao hàng.
Đến 00h00 rạng sáng ngày 13/01, các số liệu chính thức đã được công bố, nhìn chung các số liệu tồn kho cả ba nông sản đều nằm trong vùng ước tính của thị trường. Cụ thể, tồn kho đậu tương và ngô quý 4 năm 2021 đạt lần lượt là 3.149 và 11.647 tỷ giạ, cao hơn so với cùng kỳ vụ trước và cao hơn so với các ước tính trung bình từ thị trường. Các số liệu này ban đầu đã tạo áp lực giảm giá mạnh đối với ngô và đậu tương, giá lúa mì phản ánh đúng kỳ vọng của thị trường. Sau đó giá các nông sản tiếp tục chịu tác động của báo cáo WASDE.
Dự kiến cắt giảm ước tính tồn kho ngô và đậu tương vụ 2021/22
Bên cạnh báo cáo Tồn kho ngũ cốc thì báo cáo Cung – cầu nông sản mùa vụ thế giới (WASDE) tháng 1 cũng được công bố. Đây là báo cáo ước tính triển vọng cho cả vụ 2021/22. Trước khi báo cáo được công bố, giới phân tích nhìn nhận tồn kho ngô cuối vụ 2021/22 trong báo cáo lần này sẽ được Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm xuống, trong khi đó đậu tương và lúa mì sẽ tăng lên. Đối với tồn kho cuối vụ thế giới 2021/22, giới phân tích dự đoán tồn kho ngô và đậu tương thế giới sẽ được điều chỉnh giảm so với báo cáo trước.
Tồn kho ngô Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm xuống 21 triệu giạ so với báo cáo trước, như đã đề cập các yếu tố như giao hàng bám sát với tốc độ cùng kỳ năm trước và sản lượng ethanol vẫn duy trì ở mức trước dịch đã thúc đẩy tiêu thụ ethanol nhiều hơn là những yếu tố có thể khiến cho tồn kho được giảm xuống đẩy nhanh. Trong khi đó, tồn kho đậu tương Mỹ vụ 2021/22 được dự kiến sẽ tăng thêm 8 triệu giạ so với ước tính trước do xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại cũng như tiêu thụ giảm đi. Tồn kho lúa mì được dự kiến tăng lên, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu chậm lại, các đơn hàng xuất khẩu và giao hàng liên tiếp ở mức thấp được cập nhật hàng tuần từ bộ nông nghiệp Mỹ đã chứng minh cho điều đó.
Nhìn về kỳ vọng của thị trường đối với tồn kho ngô thế giới và đậu tương. Các vấn đề thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ đã khiến cho nhiều nhà phân tích phải cắt giảm sản lượng nông sản tại khu vực này. Tuần qua Agrural tại Brazil đã cắt giảm ước tính 11.3 triệu tấn đậu tương của Brazil xuống còn 133.4 triệu tấn, StoneX cũng đã cắt giảm ước tính sản lượng đậu tương khu vực này đi 11 triệu tấn so với ước tính trước đó xuống còn 134 triệu tấn.
Cơ quan Cung ứng mùa vụ quốc gia Brazil là Conab đã công bố báo cáo cập nhật ước tính sản lượng cho vụ 2021/22. Theo đó, sản lượng ngô Brazil được Conab điều chỉnh giảm 4.28 triệu tấn xuống còn 112.9 triệu tấn, phần lớn điều chỉnh giảm sản lượng ngô vụ 1, do sản lượng ngô vụ 2 (safrinha) không có sự thay đổi ở mức 86.26 triệu tấn. Sản lượng đậu tương cũng được Conab cắt giảm xuống còn 140.5 triệu tấn từ mức 142.70 triệu tấn.
Đối với báo cáo từ USDA, trước khi báo cáo được công bố, thị trường ước tính sản lượng ngô trong WASDE tháng 1 của Argentina sẽ được cắt giảm xuống còn 53.59 triệu tấn từ mức 54.5 triệu tấn, Brazil xuống còn 116.17 triệu tấn từ mức 118 triệu tấn. Đối với đậu tương, thị trường dự báo sản lượng đậu tương Argentina sẽ ở mức 48.11 triệu tấn, giảm từ mức 49.5 triệu tấn. Trong khi đó, Brazil được dự báo ở mức 141.62 triệu tấn, thấp hơn so với báo cáo trước là 144 triệu tấn.
Khi các số liệu chính thức được công bố, tồn kho đậu tương cả ba nông sản là đậu tương, ngô và lúa mì Mỹ vụ 2021/22 đều cao hơn so với các ước tính trong báo cáo trước và cao hơn so với dự báo trung bình từ thị trường. Cụ thể, tồn kho cuối vụ ngô đạt 1,540 triệu giạ, tồn kho đậu tương đạt 350 triệu giạ, lúa mì đạt 528 triệu giạ. Các số liệu này cùng với tồn kho ngũ cốc quý của Mỹ tiếp tục tạo áp lực cho giá các nông sản tại thời điểm công bố.
Tuy nhiên, cục diện thị trường sau đó có sự thay đổi, đặc biệt đối với giá đậu tương khi tồn kho thế giới của loại nông sản này bị cắt giảm mạnh so với ước tính trước đó cũng như so với ước tính trung bình từ thị trường. Tồn kho đậu tương thế giới vụ 2021/22 ước tính đạt 95.2 triệu tấn, thấp hơn dự báo từ thị trường 99.93 triệu tấn, thấp hơn so với báo cáo trước là 102 triệu tấn. Tồn kho thấp do sản lượng tại khu vực Nam Mỹ bị cắt giảm mạnh. Sản lượng đậu tương Brazil được dự báo ở mức 139 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với báo cáo WASDE 12, thấp hơn dự báo từ thị trường là 141.62 triệu tấn. Argentina xuống còn 46.5 triệu tấn từ mức 49.5 triệu tấn trong báo cáo trước.
Tồn kho ngô thế giới đạt 303.07 triệu tấn, được điều chỉnh giảm 2.5 triệu tấn so với báo cáo trước (305.54 triệu tấn), thấp hơn các dự báo từ thị trường là 304.08 triệu tấn. Con số này ban đầu giúp ngô giữ được sắc xanh, tuy nhiên các số liệu cắt giảm là tương đối thấp cho nên chỉ đóng vai trò nâng đỡ cho các áp lực bán bởi tác động từ tồn kho Mỹ gia tăng trong cả báo cáo Tồn kho quý và báo cáo WASDE tháng 1. Kết phiên, giá ngô chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, mức điều chỉnh tăng tồn kho lúa mì không đem lại sự bất ngờ gì so với dự báo từ thị trường. Giá lúa mì chịu áp lực giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/01/2022. Giá đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3/2022 đạt 1,399.2 cents/giạ, tăng 12.6 cents/giạ so với phiên giao dịch trước. Giá ngô CBOT kỳ hạn tháng 3/2022 đạt 599 cents/giạ giảm 2 cent/giạ so với phiên giao dịch trước. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3 giảm mạnh 12.4 cents/giạ xuống còn 757.6 cents/giạ.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN GIAO DỊCH PHÁI SINH HÀNG HÓA MIỄN PHÍ TỪ CHUYÊN GIA
CÔNG TY CỔ PHẦN SAIGON FUTURES
- Hotline: 0286 686 0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Website: www.saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Công Ty Cổ Phần Saigon Futures
- MST: 0315173341
- Hotline: 028.6686.0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm
- Trụ sở chính: 506 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- VPGD Hà Nội: Tầng 9, Tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
- VPGD Sài Gòn: Tầng 1 tòa nhà Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh