
Giá nông sản biến động trước áp lực tăng lãi suất của FED
Nội dung chính
Thị trường hàng hóa, giá các hàng hóa nông sản giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đa phần đều ghi nhận mức giảm điểm trong tuần vừa qua do tác động khó lường của sự kiện Ukraine cũng như dưới tác động của đợt tăng lãi suất lần đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kể từ năm 2018. FED đã tăng lãi suất tham chiếu 25 điểm cơ bản từ mức 0.25% lên mức 0.5%. Ngoài ra FED cũng đã lên kế hoạch giảm cung tiền bằng việc thu hẹp bảng cân đối kế toán 9 nhìn tỷ đô la Mỹ của mình, và có thể sẽ diễn ra trong kỳ họp tới. Bên cạnh đó, giá các nông sản cũng chịu tác động bởi một số thông tin cơ bản khác được đề cập dưới đây.
Trung Quốc tái thực hiện các biện pháp phong mới
Trung Quốc tiếp tục thực hiện tái áp đặt các biện pháp phong tỏa mới do số ca nhiễm tăng vọt. Các yêu cầu hà khắc khác đối với công dân tiếp tục được thực hiện ở nhiều thành phố lớn. Điều này sẽ tác động lớn đến hoạt động vận tải trong nước. Nhiều công ty như SEKO Logistics và Maersk bị buộc đóng cửa các hoạt động hậu cần và kho hàng từ ngày 14 đến 20/3. Vào ngày 14 tháng 3, thành phố cảng Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc đã bắt đầu phong tỏa toàn thành phố kéo dài 7 ngày, cùng với các thành phố chủ chốt khác như Thượng Hải và thành phố Đông Bắc Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm.
Ép dầu đậu tương Trung Quốc sụt giảm ba tuần liên tiếp
Theo Trung tâm thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC), khối lượng ép dầu đậu tương tính đến tuần kết thúc ngày 13/03 đạt 1.44 triệu tấn, giảm 40,000 tấn so với tuần trước đánh dấu ba tuần sụt giảm liên tiếp. Nhiều nhà máy ép dầu đã đóng cửa do thiếu đậu tương.
Mức tồn đậu tương hàng tuần giảm 170,000 tấn so với tuần trước xuống chỉ còn 2.77 triệu tấn. Tồn kho khô đậu tương giảm 3 tuần liên tiếp xuống còn 310,000 tấn, hay giảm 10,000 tấn so với tuần trước. Tồn kho dầu đậu tương ở mức 730,000 tấn, giảm 80,000 tấn so với tuần trước đó.
Trung Quốc bán đấu giá đậu tương từ kho dự trữ lần đầu tiên trong năm
Dự trữ nhà nước Trung Quốc đã bán 255,934 triệu tấn đậu tương nhập khẩu từ kho dự trữ nhà nước trong đợt đấu giá đầu tiên trong năm, khối lượng bán được chiếm 86.58% trong tổng số 295,596 tấn được chào báo. Trung tâm Thương mại ngũ cốc Nhà nước (NGTC) xác nhận hôm thứ 2. Tất cả khối lượng đậu tương chào bán này đều là từ nguồn cung dự trữ được nhập khẩu từ năm 2020.
Trong đó lượng chào bán 147,666 tấn đậu tương từ Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam và Thiên Tân đều đã hoàn toàn bán sạch, trong khi đó chỉ có 73.19% trong tổng số 147,930 tấn được cháo bán tại tỉnh Liêu Ninh là bán được.
Mức giá trung bình được trả cho lần đấu giá này là 5,476 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 861 USD/tấn), với mức giá cao nhất là 5,630 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 885 USD/tấn) và mức giá thấp nhất là 5,320 Nhân dân tệ/tấn (836 USD/tấn). Theo đánh giá thì mức giá này chỉ thấp hơn một chút so với chi phí nhập khẩu vào tháng 4 là 5,490 Nhân dân tệ/tấn (863 USD/tấn).
Thị trường nội địa chờ đợi rằng sẽ có nhiều hơn đậu tương được giải phóng từ kho dự trữ quốc gia trong vài tuần tới khi mà tổng khối lượng giải phóng được đồn đoán có thể lên đến 5 đến 6 triệu tấn.
NOPA: Ép dầu đậu tương Mỹ giảm trong tháng 2 so với tháng 1
Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) – đại diện cho khoảng 95% tất cả các máy nghiền đậu của Mỹ – báo cáo sản lượng ép đậu tương của Mỹ ở mức 165.1 triệu giạ trong tháng 2, giảm 9.4% so với tháng 1 nhưng tăng 6.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ dầu đậu tương cao hơn kỳ vọng thương mại ở mức 2,059 tỷ pound (933,950 tấn) vào cuối tháng 2.
Xuất khẩu khô dầu thực vật Ấn Độ tiếp tục giảm trong tháng 2
Theo Hiệp hội trích ly dầu thực vật Ấn Độ (SEA) xuất khẩu khô đậu tương của quốc gia này trong tháng 2 ghi nhận ở mức 33,760 tấn, giảm 36% so với tháng trước. Tính lũy kế từ tháng 4/2021 – 02/2022, xuất khẩu khô đậu tương Ấn Độ đạt 348,868 tấn, thấp hơn đến 75.4% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này là do biên lợi nhuận của nghiền đậu tương ở quốc gia xuất khẩu khô đậu lớn thứ 4 này hiện đang bị áp lực, từ việc giá khô đậu nội địa thấp và kỳ vọng giá tương đối cao của nông dân đối với đậu tương. Ấn Độ có thể sẽ khó có khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong 2-3 tháng tới do giá hạt giống đậu tương trong nước cao. Việc giảm thiểu việc nghiền đậu tương nội địa cũng đang hỗ trợ nhu cầu nhập khẩu tăng, và cũng giúp cân bằng giá khô đậu tương trên thị trường thế giới.
Argentina ban bố lệnh ngừng xuất khẩu và tạm dừng xuất khẩu các sản phẩm đậu tương và khô đậu tương
Theo một thông báo chính thức từ Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Argentina – quốc gia xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương lớn nhất thế giới công bố hôm 13/03, chính phủ Argentina sẽ đình chỉ việc đăng kí xuất khẩu đối với dầu đậu và khô đậu tương cho đến khi có thông báo mới.
Các động thái này đến từ việc chính phủ dự kiến chuẩn bị tăng mức thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm này. Theo như các ước tính thương mại mức thuế hiện tại là 31% có thể tăng lên tối đa bằng với mức xuất khẩu của đậu tương là 33%.
Các giấy phép đăng ký xuất khẩu hiện tại ở mức tổng cộng 1.13 triệu tấn dầu đậu tương từ niên vụ hiện tại đã được đăng ký cho công tác xuất khẩu năm 2022, tức là khoảng 21% tổng lượng xuất khẩu năm vừa qua.
Đối với khô đậu tương, tổng cộng 3.86 triệu tấn của vụ hiện tại đã được đăng ký để xuất khẩu vào năm 2022, khoảng 15% lượng xuất khẩu đã được vận chuyển vào năm ngoái. Quốc gia này được dự báo sẽ xuất khẩu 5.9 triệu tấn dầu đậu và 32 triệu tấn khô đậu trong niên vụ 2021/22 hiện tại, theo USDA.
Cơ quan nghiền hạt và xuất khẩu hạt có dầu của Argentina Ciara-CEC cho rằng động thái của chính phủ đi ngược lại với lợi ích xuất khẩu của đất nước. Cơ quan dự báo công suất nghiền trong năm 2021/22 sẽ đạt mức thấp thứ hai trong mười năm qua, hay 56% của mùa vụ hiện tại, giảm sáu điểm phần trăm so với năm 2020/21.
Xuất khẩu lúa mì Nga tiếp tục sụt giảm
Tính đến tuần kết thúc ngày 10/03, xuất khẩu lúa mì Nga đạt 400,000 tấn. Tích lũy xuất khẩu cho vụ 2021/22 tính đến hiện tại ghi nhận mức 26.8 triệu tấn, thấp hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Các cảng lớn của Nga vẫn tiếp tục hoạt động nhưng khối lượng giao dịch đã giảm trong khi cảng bận rộn thứ hai trong khu vực là Azov hiện không hoạt động. Tuy nhiên vào cuối tuần, một số nguồn tin thương mại đã nói với AgriCensus hôm thứ sáu rằng hoạt động buôn bán ngũ cốc của Nga vẫn diễn ra tại Azov, bất chấp chiến tranh và các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề đối với các thực thể của Nga.
Thuế xuất khẩu lúa mì Nga tăng lần đầu tiên sau 9 tuần giảm liên tiếp
Chính phủ Nga đã công bố mức thuế xuất khẩu lúa mì áp dụng cho tuần từ ngày 23 – 29 tháng 3 sẽ ở mức 86.40 USD/tấn, tăng 10 cents so với mức trước đó. Mức thuế này đã chính thức tăng trở lại sau 9 tuần giảm liên tiếp. Mức thuế hiện tại đang thấp hơn so với mức cao nhất là 98.20 USD/tấn vào giữa tháng 1 năm 2022 nhưng cao hơn đến 207% so với mức ban đầu là 28.10 USD/tấn từ đầu tháng 6, thời điểm vừa mới bắt đầu áp dụng thuế.
Sản lượng ngũ cốc Ukraine có thể giảm đáng kể trong năm 2022
SovEcon cắt giảm ước tính sản lượng lúa mì từ mức 28.3 triệu tấn xuống còn 26 triệu tấn, năm trước sản lượng lúa mì Ukraine là 32.1 triệu tấn. Ước tính vụ ngô Ukraine năm 2022 sẽ ở mức 27.7 triệu tấn (năm trước là 41.9 triệu tấn).
Tổng diện tích lúa mì được dự báo ở mức 6.9 triệu ha so với 7.1 triệu ha trong năm 2021, 6.7 triệu ha lúa mì vụ đông đã được trồng trong mùa thu vừa qua. Trung bình năng suất lúa mì vụ Ukraine được dự báo ở mức 3.8 tấn/ha (năm trước là 4.5 tấn/ha), giảm đáng kế so với xu hướng.
Năng suất và chiến dịch trồng trọt đã bị ảnh hưởng lớn bởi thiếu nhiên liệu, lao động, phân bón, không có khả năng đến thực địa trong nhiều trường hợp. Điều kiện canh tác hiện tại của lúa mì vụ đông đang thấp hơn so với mức trung bình do thiếu mưa.
Các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh chiếm đến 40% sản lượng ngô và lúa mì của đất nước.
Các dự báo của SovEcon dựa trên các giả định về việc nhiều người nông dân có thể ra đồng canh tác trong tháng 4 cũng như Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vài tuần tới.
Các giả định cũng dựa trên việc loại suy ra sự kiện 2014 – 2015 tại Ukraine khi mà quốc gia phải đối diện với đợt sụt giảm rất mạnh của đồng Hryvnia Ukraine cũng với chiến sự ở hai khu vực là Luhansk và Donetsk.
Algeria tiếp bước Ai Cập ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì
Algeria trong tuần qua đã nối gót Ai Cập ban hành lệnh cấm xuất khẩu tất cả những sản phẩm tiêu dùng mà họ nhập khẩu trong đó có lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa. Cùng lúc đó, thì chính phủ cũng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ người nông dân địa phương trong việc sản xuất lúa mì cứng và lúa mì mềm cũng như các ngũ cốc khô khác thông qua việc khuyến khích cho vay, cung cấp phân bón và một số các lợi ích khác. Theo USDA, Algeria thường mua khoảng 7.7 triệu tấn lúa mì hằng năm.
Nhập khẩu lúa mì Trung Quốc trong tháng 2 giảm so với tháng trước
Tương tự như ngô, nhập khẩu lúa mì Trung Quốc trong tháng 2 cũng ghi nhận đạt mức 1.51 triệu tấn, thấp hơn 680,000 tấn so với tháng trước. Lũy kế nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 2.19 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc ngay sau khi chiến sự nổ ra cũng cho biết rằng họ sẽ chấp nhận nhập khẩu lúa mì tại khắp các khu vực của Nga.
Nhập khẩu ngô Trung Quốc sụt giảm trong 2 tháng đầu năm
Theo Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu ngô trong 2 tháng đầu năm của quốc gia này đạt tổng cộng là 4.68 triệu tấn. Trong đó tháng 2 ghi nhận ở mức 1.93 triệu tấn, thấp hơn so với số tháng 1 là 2.75 triệu tấn. Các tác động của chiến tranh và mức giá tăng cao đã làm chậm lại hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc, các số liệu nhập khẩu trong tháng tới sẽ cho thấy rõ ràng hơn tác động của chiến tranh. Ngoài ra, một số thương nhân tại Trung Quốc cho biết gián đoạn hoạt động xuất khẩu tại Biển Đen đã thúc đẩy người mua chuyển sang Mỹ để có nguồn cung ngô ổn định hơn.
Sản lượng ethanol Mỹ không thay đổi so với tháng trước
Tổng sản lượng ethanol của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 11/03 ở mức 1.026 triệu thùng/ngày, giảm 0.19% so với tuần trước đó. Trong đó, sản lượng ethanol tại khu vực Trung Tây giảm 971,000 thùng/ngày, tức giảm 6,000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Theo tính toán, với tổng sản lượng ngô như trên đã tiêu thụ 2.64 triệu tấn ngô, giảm từ mức 2.65 triệu tấn ngô so ghi nhận trong tuần trước. Tồn kho ethanol ở mức 25.9 triệu thùng, tăng 674,000 thùng so với tuần trước.
Trung Quốc bắt đầu bán đấu giá phân bón từ kho dự trữ quốc gia
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), trong tháng này họ sẽ bắt đầu giải phóng phân bón từ kho dự trữ quốc gia từ kho dự trữ thương mại nhà nước với hơn 3 triệu tấn phân bón được kỳ vọng sẽ được giải phóng vào thị trường để đáp ứng cho nhu cầu trồng trọt vào mùa xuân.
Cùng thời điểm đó, chính phủ cũng cho biết sẽ theo dõi sát sao thị trường phân bón nhằm ổn định nguồn cung và ổn định giá. Thị trường phân bón thế giới trong thời gian gần đây rất biến động khi mức giá đã tăng rất mạnh do tác động của chiến sự Nga – Ukraine với nỗi lo rằng điều này sẽ gia tăng áp lực giá lên thị trường nội địa.
Giá phân ure kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng hơn 15% trong 2 tuần vừa qua và đóng cửa ở mức 2,786 Nhân dân tệ/tấn vào thứ 2, tăng do giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh.
Giá phân bón Trung Quốc cũng đã chạm mức cao kỷ lục vào giữa tháng 10 năm vừa qua, khiến cho Bắc Kinh phải tạm thời ngừng xuất khẩu và thực thi nhiều hơn nữa các biện pháp kiểm tra thanh tra đối với các sản phẩm có liên quan.
Các dữ liệu từ Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm ghi nhận nhập khẩu phân bón ở mức 2.55 triệu tấn, giảm 27.8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu phân bón Brazil tăng mạnh trong năm 2021
Theo Hiệp hội phân bón quốc gia Brazil (ANDA), nhập khẩu phân bón Brazil năm 2021 đạt 39.2 triệu tấn từ mức 32.8 triệu tấn năm 2020, tương đương với mức tăng 19.3%. Brazil đang đối diện với tình trạng báo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có phân bón và điều này làm dấy lên các lo ngại về vụ ngũ cốc và hạt có dầu vào năm tới.
Cũng theo ANDA, trong năm vừa qua có đến 45.8 triệu tấn phân bón đã được chuyển đến tay người nông dân Brazil, tăng 13% so với số liệu 40.5 triệu tấn của năm trước. Trong năm vừa qua có đến 45.8 triệu tấn phân bón được đem đến tay người nông dân Brazil, tăng 13% so với số liệu 40.5 triệu tấn vào năm trước.
Sản lượng phân bón của Brazil trong năm 2021 đạt mức 6.9 triệu tấn, tương đương với mức tăng 7.3% so với năm trước là 6.5 triệu tấn được sản xuất. Brazil cũng có mức xuất khẩu phân bón 683,830 tấn phân bón trong năm vừa qua, tương đương tăng 17.1% so với cùng kỳ năm trước.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN GIAO DỊCH PHÁI SINH HÀNG HÓA MIỄN PHÍ TỪ CHUYÊN GIA
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Công Ty Cổ Phần Saigon Futures
- MST: 0315173341.
- Hotline: 028.6686.0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures.
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm.
- Trụ sở chính: 506 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
- VPGD Hà Nội: Tầng 9, Tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
- VPGD Sài Gòn: Tầng 1 tòa nhà Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.