
[Bảng tin thị trường hàng hóa] Giá dầu thô tăng vọt bất chấp Mỹ mở kho dự trữ chiến lược
Nội dung chính
Diễn biến thị trường ngày 24/11/2021
Tin tức thị trường hàng hóa, giá các HĐTL nông sản có phiên tăng điểm ấn tượng trong ngày hôm qua với sự dẫn đầu của giá lúa mì trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới vẫn đang khá căng thẳng, các vấn đề hậu cần tại Úc và xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng góp phần cho đà tăng của giá lúa mì. Giá ngô có sự đồng thuận tăng giá khi CONAB cho thấy sản lượng ethanol từ ngô tại Brazil sẽ tiếp tục tăng cao. Ngược lại, giá đậu tương lại khá tiêu cực trước thông tin về một vụ mùa bội thu và mức xuất khẩu kỷ lục của Brazil. Nhưng cũng chính các số liệu từ CONAB đã đem đến sự hỗ trợ lớn đối với giá đường. Ngoài ra, giá dầu thô lại bật tăng mạnh khi giới đầu tư nhận thấy rằng việc giải phóng kho dự trữ dầu của Mỹ không giúp hạ nhiệt giá dầu mà còn làm cho thị trường trở nên hỗn loạn hơn.
Tin tức chung
Việc Powell tiếp tục giữ chức chủ tịch Fed làm nhiều nhà đầu tư quan ngại về việc Fed sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Powell trong bài phát biểu nhậm chức ngày thứ Hai đã nhấn mạnh rằng Fed sẽ tập trung chống lại lạm phát. Điều này khiến nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng Fed sẽ sớm tăng lãi suất để theo kịp lạm phát. Việc nâng lãi suất nếu xảy ra sớm hơn kỳ vọng của thị trường sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên giá tất cả các tài sản.
Gói hỗ trợ thực phẩm CFAP 2 tiếp tục tăng lên mức 19.6 tỉ đô la Mỹ, so với mức 18.82 tỉ đô la Mỹ của tuần trước. CFAP 2 hiện nay gồm 14.24 tỉ đô la Mỹ ban đầu cùng với 4.82 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ thêm cho hàng hoá dựa trên diện tích. Trong đó, nông dân trồng Ngô, Đậu tương và Lúa mì là 3 sản phẩm được chính sách này hỗ trợ nhiều nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho vụ.
Chỉ số Flash PMI Sản xuất của Mỹ ở mức 59.1 (so với mức 58.4 vào Tháng Mười). Cao nhất 2 tháng. Cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều ghi nhận mức tăng tốc rõ rệt về các đơn hàng mới. Tuy nhiên tình trạng thiếu lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang gây khó khăn cho việc gia tăng suất sản xuất của các công ty. Tỷ lệ lạm phát giá đầu vào tiếp tục đạt mức cao mới vào giữa quý 4.
Lịch sự kiện
Chi tiết khuyến nghị theo từng hàng hóa
1. Nhóm năng lượng
Lượng dầu thô tại các nhà máy lọc đầu Ấn Độ đã đạt khoảng 21 triệu tấn, tăng 14% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái do tình hình các ca nhiễm Covid-19 đã dịu lại, nới lỏng các quy định về giãn cách và các hoạt động kinh tế tăng trở lại. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô lại tiếp tục giảm 2.15% so với tháng trước, đạt 2.51 triệu tấn. Hiện Ấn Độ là quốc gia có lượng nhập khẩu chiếm đến 85% và tiêu thụ dầu thô trong top 3 thế giới.
Bên cạnh đó, trong tối hôm qua Mỹ đã có thông báo chính thức sẽ bán ra khoảng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR). Việc xả kho dự trữ này sẽ được thực hiện cùng với việc xả kho dự trữ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh.
Động thái mở kho dầu dự trữ có thể tác động đến giá trong ngắn hạn, nhưng cần quan sát thêm các phản ứng từ phía OPEC+ trong cuộc họp đầu tháng 12 sắp tới, nếu khối này quyết định cắt giảm sản lượng để chống lại việc xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ và các quốc gia khác, giá dầu sẽ không có chuyển biến lớn hoặc thậm chí có thể tăng nhẹ. Nhưng nếu phía OPEC+ không có động thái gì mới thì việc này sẽ tạo điều kiện cho giá dầu suy giảm.
Các tin tức hỗ trợ cho dầu thô cũng phần nào hỗ trợ cho giá dầu đậu tương do dầu đậu tương thường được dùng cùng để pha trộn với nhiên liệu sinh học.
Đánh giá: Tích cực
2. Đường
Cơ quan cung ứng quốc gia Brazil (CONAB) công bố ước tính lần thứ 3 cho vụ mía đường 2021/22. Theo đó, ước tính mía đường được thu hoạch trong vụ 2021/22 tại Brazil sẽ đạt mức 568.4 triệu tấn, thấp hơn đến 13.2% so với vụ 2020/21. Các ảnh hưởng bất lợi về thời tiết do hạn hán trong suốt giai đoạn sản xuất chính và nhiệt độ thấp kỷ lục vào tháng 6 cũng như tháng 7 trong năm nay với một đợt sương giá ở hầu hết các khu vực trồng mía như São Paulo, Mato Grosso do Sul và Parana đã tác động đến năng suất cây trồng.
Theo CONAB, trong 7 tháng đầu vụ thu hoạch 2021/22 từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 16.9 triệu tấn đường, tương đương với mức giảm 17.9% so với cùng kỳ vụ trước, chủ yếu do tác động bất lợi đối với sản lượng mía đường trong thời gian thu hoạch.
Do nguồn cung khá hạn chế trong nước và các dự đoán về một vụ mùa kém tích cực tại một số nhà máy đường khu vực Trung Nam Brazil đã làm tăng giá đường tại thị trường nội địa và giảm xuất khẩu. Vào tháng 10 năm 2021, Brazil đã xuất khẩu khoảng 2.3 triệu tấn đường, giảm 9.0% so với tháng trước và giảm 41.4% so với tháng 10 năm ngoái.
Đánh giá: Tích cực
3. Đậu tương
Theo các dữ liệu từ Hải quan Brazil, xuất khẩu đậu tương của quốc gia này trong 3 tuần đầu tháng 11 ở mức 1.9 triệu tấn. Với các số liệu này có thể thấy động lực xuất khẩu theo tuần của Brazil đan giảm dần, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn đang ở mức cao hơn. Tính trung bình, Brazil xuất khẩu khoảng 161,601 tấn đậu tương/ngày trong tháng 11, cao hơn so với mức 71,783 tấn so với cùng kỳ năm trước. Theo các dữ liệu từ công ty vận tải Cargonave cho thấy, trong tháng 11 Brazil có thể sẽ vận chuyển đến 2.6 triệu tấn, tức là trong tuần của cuối của tháng 11 còn đến 0.7 triệu tấn có thể được xuất đi.
Kỳ vọng xuất khẩu trong vụ tới thậm chí còn có thể cao hơn nữa với một vụ mùa đạt sản lượng kỷ lục. Theo IMEA, sản lượng đậu tương tại bang có sản lượng lớn nhất Brazil là Mato Grosso đang cho thấy tín hiệu rất tích cực khi sự phát triển của cây trồng được ủng hộ bởi điều kiện thời tiết. Dự báo thời tiết trong 30 ngày tới cho thấy sẽ có mưa đáng kể trên khắp bang này.
Đánh giá: Tiêu cực
4. Khô đậu tương
Giá khô đậu tương giảm mạnh trước tác động từ việc thị trường kém sôi động hơn do lễ tạ ơn sắp diễn ra, vào ngày thứ năm ở Canada và Mỹ, khi không có đơn hàng nào mới được ghi nhận trong tuần qua, cộng thêm việc thi trường ethanol liên tục gia tăng sản lượng (làm gia tăng bã rượu khô – thành phần chứa protein có thể thay thế cho khô đậu). Trong khi đó các dữ liệu từ Ủy ban Liên minh châu Âu cho thấy nhập khẩu khô đậu tương hàng tuần vào khu vực châu Âu tuần kết thúc ngày 20/11 giảm xuống 236,973 nghìn tấn, góp phần đưa tổng nhập khẩu từ đầu niên vụ đạt 4.78 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
5. Dầu cọ
Indonesia, nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, có khả năng cao sẽ giảm lượng dầu cọ dùng cho nhiên liệu diesel sinh học trong năm nay, theo Togar Sitanggang, phó chủ tịch hiệp hội dầu cọ Indonesia (Gapki). Sau khi thông tin này được công bố, giá dầu cọ đã có sự sụt giảm nhẹ. Bên cạnh đó, Hiệp hội Dầu cọ Malaysia (MPOA) công bố sản lượng dầu cọ quốc gia trong giai đoạn từ ngày 1-20 tháng 11 tăng nhẹ 0.35% so với cùng kỳ năm trước.
6. Dầu đậu tương
Trong ngày hôm qua, nhà thu mua quốc gia Ai Cập đã công bố hai gói thầu đảm bảo mức nhập khẩu dầu đậu tương và dầu hướng dương cho các đợt vận chuyển vào tháng 1. Hai gói thầu này bao gồm cả thầu quốc tế và thầu trong nước. Đối với gói thầu quốc tế, GASC đã tìm kiếm mua ít nhất là 30,000 tấn dầu thực vật và 10,000 tấn dầu hướng dương. Đối với các gói thầu địa phương, Ai Cập cũng thông báo tìm kiếm ít nhất là 3,000 tấn dầu đậu tương và 2,000 tấn dầu hướng dương với đợt vận chuyển từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 25 tháng 1.
7. Lúa mì
Thị trường ghi nhận sản lượng lúa mì Úc không mấy khả quan khi mức protein trong lúa mì thấp hơn so với dự kiến do mưa lớn cản trở thu hoạch ở nhiều khu vực trong thời gian gần đây, làm chất lượng cây trồng suy giảm. Hằng năm, lượng lúa mì trắng (lúa mì chứa protein thấp) chỉ chiếm 25%, nhưng lại chiếm đến 50% trong sản lượng vụ này ở vùng Tây Úc. Trước tình hình hạn chế xuất khẩu của Nga và Ukraina do căng thẳng chính trị vùng Biển Đen, Úc đã được kỳ vọng là nguồn cung thay thế. Tin tức này có thể hỗ trợ tăng giá lúa mì CBOT
Ngoài ra, một số thông tin xuất khẩu được công bố. Xuất khẩu lúa mì hàng tuần của khu vực châu Âu tính đến tuần kết thúc ngày 20/11 đạt 195,834 tấn, dẫn đầu là Đức và các quốc gia Baltic; tính từ đầu vụ xuất khẩu lúa mì khu vực này đạt 10.26 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, xuất khẩu lúa mì Nga tính đến tuần kết thúc ngày 18/11 đạt 600,000 tấn, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khối lượng xuất khẩu tính từ đầu vụ đạt 17.2 triệu tấn, thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá: Tích cực
8. Ngô
CONAB tăng dự báo sản lượng ethanol từ ngô ở Brazil trong niên vụ 2021/22 lên 3.47 tỷ lít so với mức 3.36 tỷ lít trong dự báo tháng 8. Đồng thời, nhà sản xuất ethanol từ ngô lớn nhất Brazil là FS Bioenergia sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 cơ sở sản xuất ethanol nữa vào 2023-2026, riêng nhà máy Primavera hoạt động năm 2023 dự kiến có mức sản lượng 585 triệu lít ethanol/năm. Hiện tin này có tác động tốt đến giá ngô vì công ty đã bắt đầu ký hợp đồng mua ngô trước cho năm sau.
Đánh giá: Tích cực
9. Kim loại
Theo Shanghai Metal News, tính tới thứ 6 tuần trước, tỷ lệ hoạt động các nhà máy sản xuất đồng cathode ở Quảng Đông ( một trong các khu vực chế biến đồng lớn nhất Trung Quốc) là 65.8%, giảm 0.12% so với cùng kỳ năm ngoái và có đến ít nhất 6 nhà máy ở đây tạm dừng sản xuất do mức basis chênh lệch ngày càng tăng cao trước khủng hoảng thanh khoản ở ngành bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, cộng thêm lo ngại tăng lãi suất trước tin Powell tiếp tục giữ vị trí chủ tịch đã gây tác động tiêu cực lên giá đồng.
CÔNG TY CỔ PHẦN SAIGON FUTURES
- Hotline: 0286 686 0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Website: www.saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Công Ty Cổ Phần Saigon Futures
- MST: 0315173341.
- Hotline: 028.6686.0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures.
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm.
- Trụ sở chính: 506 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
- VPGD Hà Nội: Tầng 9, Tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
- VPGD Sài Gòn: Tầng 1 tòa nhà Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.