
HỢP ĐỒNG TƯƠNG LAI ĐƯỜNG – 08 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HĐTL ĐƯỜNG
Nội dung chính
Biến động giá đường trên thị trường sẽ ảnh hưởng đến biến động giá của hợp đồng tương lai đường trên thị trường phái sinh. Do đó, nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng đến giá đường trên thị trường sẽ là yếu tố then chốt quyết định đến việc đầu tư thành công trên thị trường phái sinh hàng hóa.
Do quy mô giao dịch toàn cầu nhỏ, giá đường thế giới thường rất nhạy cảm với những thông tin về sản lượng tại các quốc gia sản xuất đường hàng đầu, đặc biệt là Brazil – nước chiếm đến 45-50% tổng lượng xuất khẩu đường trên toàn thế giới hằng năm. Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù có đến hơn 100 nước trên toàn thế giới có nền công nghiệp sản xuất đường, giá đường chủ yếu được quyết định bởi những biến động xảy ra đối với khâu sản xuất cũng như tiêu thụ tại các quốc gia như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ hay Trung Quốc. Giá giao dịch đường trên thị trường thế giới thường được tham chiếu thông qua hai loại hợp đồng phổ biến.
Tính đến thời điểm hiện tại, sản xuất đường từ mía tại các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan có lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với các nước khối EU vốn dùng củ cải đường làm nguyên liệu chính. Lợi thế này không đến từ vấn đề khoa học kỹ thuật hay điều kiện sản xuất mà xuất phát từ giá nhân công và chi phí đất rẻ cùng với việc ít phải chịu những ràng buộc pháp lý từ phía các quốc gia sở tại. Tuy nhiên, những trở ngại về mặt thiên nhiên như địa chất, lượng mưa, nhiệt độ và sự cạnh tranh của các hoạt động nông nghiệp khác đã khiến dư địa cho việc mở rộng sản xuất tại các quốc gia sản xuất đường từ mía hàng đầu thế giới không còn nhiều.
Cung và cầu đường
Diện tích trồng mía và củ cải đường
Củ cải đường và mía đều chỉ mất tối đa khoảng một năm để thu hoạch nên có thể được xem là cây ngắn ngày. Tuy nhiên, riêng với cây mía, nếu xét về khả năng tái sinh hằng năm từ gốc cũ thì là cây dài ngày (tức chu kỳ gieo trồng dài, một gốc có thể tái sinh tối đa được từ 7-10 lần tức 7-10 năm). Nhìn chung, diện tích mía/củ cải đường dễ dàng thay thế bằng cây trồng khác, đặc biệt là nông dân trồng mía/củ cải đường ở Châu Á vì họ có khả năng chuyển đổi cây trồng dễ dàng qua các mùa vụ.
Đối với một số quốc gia có chu kỳ gieo trồng mía ngắn ngày như Nga, Thái Lan, Indonesia, mía và củ cải đường dễ bị thay thế bởi các cây trồng khác nên diện tích và sản lượng mía sẽ thay đổi tùy theo thay đổi lợi ích kinh tế giữa các loại cây trồng.
Một số quốc gia có chu kỳ gieo trồng mía dài ngày như Úc, Nam Phi và Trung Mỹ, sự thay thế bởi các cây trồng khác thấp nên diện tích mía khá ổn định. Do đó, nguồn cung mía không có nhiều đột biến.
Đối với các quốc gia như Brazil, Colombia, chu kỳ gieo trồng mía dài, diện tích mía cũng ổn định, tuy nhiên sự thay thế bởi các cây trồng khác cao nên hết một chu kỳ gieo trồng nông dân mới so sánh lợi ích kinh tế với các cây trồng khác, khi đó diện tích mía mới có sự thay đổi. Nguồn cung mía do đó cũng không có nhiều đột biến trong suốt chu kỳ gieo trồng.
Thời tiết
Với đặc thù là một ngành nông nghiệp, ngành đường không tránh khỏi những tác động của thời tiết lên vùng nguyên liệu. Các đợt El Nino và La Nina là những hiện tượng thời tiết cơ bản, ảnh hưởng tới nhiệt độ và lượng mưa tại các khu vực trên thế giới. Khi những hiện tượng này xảy ra với cường độ cao sẽ khiến cho sản lượng mía, củ cải đường sụt giảm, hoặc làm giảm hàm lượng đường trong cây nguyên liệu, khiến cho tỷ suất thu hồi kém. Trong đó:
- El Nino: Gây mưa cho nửa Tây bán cầu (Brazil, Peru); gây khô hạn cho nửa đông bán cầu (Thái Lan, Việt Nam, Úc, Indonesia, Philippines). Nếu như hiện tượng El Nino cực mạnh diễn ra, các vùng mía ở Brazil sẽ bị mưa lớn, làm lượng đường trong mía cây giảm. Trong khi đó, ở những vùng bị hạn hán sẽ không đủ nước cung cấp cho mía, ngoài ra hàm lượng đường mía cũng dễ bị tiêu hao, thường xuyên xảy ra hiện tượng mía cháy. El Nino thường kéo dài từ 8 – 12 tháng, xuất hiện 3 – 4 năm một lần.
- La Nina: Ngược lại với El Nino. Hiện tượng La Nina gây khô hạn cho nửa Tây bán cầu, và gây mưa cho bán cầu Đông. La Nina xảy ra với chu kỳ tương tự như El Nino, hoặc thưa hơn.
Như vậy, một chu kỳ bao gồm El Nino và La Nina (còn gọi là Chu kỳ ENSO) thường bắt đầu vào các tháng hè, đạt cực đại vào các tháng cuối năm (Tháng 10), sau đó suy yếu và kết thúc vào các tháng đầu năm sau (Tháng 4). Trong quá khứ, El Nino xuất hiện mỗi 2 hoặc 7 năm, tuy nhiên, tần suất xuất hiện El Nino đang dần dày đặc trong những năm gần đây (3 – 4 năm một lần).
Tồn kho đường
Tổng cung đường thế giới hằng năm được xác định bằng tồn kho đầu kỳ cộng với tổng sản lượng sản xuất được trong vụ và nhập khẩu trong khi tổng cầu đường thế giới được tính bằng tiêu dùng trong nước cộng với sản lượng xuất khẩu. Tổng cung và tổng cầu không cân bằng sẽ tác động đến giá đường thế giới. Nếu tổng cung cao hơn tổng cầu thì giá đường sẽ giảm và ngược lại.
Nhu cầu tiêu thụ đường
Sản lượng tiêu thụ đường toàn cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: tốc độ tăng trưởng dân số, tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm đồ uống, mức độ tiêu thụ đường bình quân, văn hóa tiêu thụ đường, biến động giá đường. Do đó, mỗi quốc gia hay khu vực sẽ có sự phân hóa khác nhau về tốc độ tiêu thụ đường. Nhìn chung, các nước có mức tiêu thụ đường trên đầu người thấp và có dư địa để tăng trưởng đều là những nước đang phát triển và thu nhập bình quân đầu người thấp (khu vực Châu Á, Châu Phi). Đây cũng sẽ là khu vực tạo động lực cho tăng trưởng tiêu dùng và sản xuất đường trong tương lai. Ngược lại, đối với các nước có nền kinh tế phát triển, tuy mức tiêu thụ bình quân cao nhưng độ biến động đối với thu nhập bình quân không lớn và dư địa phát triển không còn nhiều do những lo ngại về tác hại của việc sử dụng đường.
Giá ethanol
Một tác động rất lớn đối với quan hệ cung cầu đường trên toàn thế giới là việc sử dụng cây mía trong quá trình sản xuất ethanol, một dạng năng lượng thay thế. Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ ethanol lớn nhất. Những quyết định mở rộng sản xuất ethanol tại quốc gia này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thương mại và giá đường trên toàn thế giới.
Ethanol nhiên liệu có thể được sản xuất từ bắp, mía và các loại nông sản khác có chứa tinh bột và cellulose. Trong đó, ethanol sản xuất từ mía có giá thành rẻ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn so với cây trồng khác (bắp, củ cải đường), do đó ethanol có khả năng cạnh tranh cao với các loại nhiên liệu truyền thống.
Ở Brazil, nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, mía được dùng làm nguyên liệu đầu vào. Sự phát triển của nhiên liệu ethanol đã giúp cho Brazil hạn chế được sự phụ thuộc quá lớn vào các loại nhiên liệu truyền thống, khắc phục hiệu ứng nhà kính và tình trạng ô nhiễm. Brazil có những ưu thế vượt trội hơn so với các nước khác trên thế giới như diện tích đất rộng lớn, lịch sử trồng mía lâu đời nên có thể phát triển vùng trồng quy mô lớn mà không phải cạnh tranh đất với các loại nông sản khác và không gây áp lực tăng giá lương thực, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất ethanol.
Các nhà máy xay ép mía ở Brazil được thiết kế để có thể vừa sản xuất đường lẫn sản xuất ethanol tuỳ thuộc vào biến động giá của hai loại sản phẩm này. Từ năm 2012 trở về trước, sản xuất đường mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Tuy nhiên, sang đến năm 2013 khi giá đường thế giới giảm mạnh thì mía nguyên liệu bắt đầu được sử dụng để sản xuất ethanol nhiều hơn so với vụ trước đó.
Nếu giá ethanol tiếp tục biến động tăng trong tương lai, sản lượng ethanol sẽ tăng lên tương ứng với việc sản lượng đường sản xuất tại Brazil và xuất khẩu đi thế giới giảm xuống, tạo lực nâng cho giá đường.
Các sản phẩm thay thế
Đường chiếm thị phần hơn 80% thị trường chất tạo ngọt toàn cầu, 20% còn lại là các chất ngọt dạng xi rô và chất tạo ngọt nhân tạo. Sự phát triển của các sản phẩm thay thế đường tuỳ thuộc vào luật lệ của từng nước riêng biệt, một số sản phẩm có thể được cho phép sử dụng tại quốc gia này nhưng lại bị cấm ở các quốc gia khác Xi rô bắp (High-fructose corn syrup – HFCS) được biết đến nhiều trong sản xuất kẹo và một số công thức bánh, không kết tinh như các loại đường tinh luyện. Đây là một dạng đường glucose chiết xuất từ bắp. HFCS ít ngọt hơn đường, và không có mùi đặc trưng như mật mía hay mật ong. 80% sản lượng của HFCS có xuất xứ từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và khối EU.
Nhu cầu tiêu thụ HFCS tăng trưởng hằng năm vào khoảng 1,3%/năm, thấp hơn mức 2,1% của đường. Giá bán của HFCS hiện tại cũng cao hơn đường, khoảng 29 cents/lb. Các chất tạo ngọt nhân tạo được cho là có khả năng thay thế hoàn toàn đường về mùi vị lại có ưu điểm là không gây những tác động xấu đến sức khỏe, tuy nhiên vấn đề này vẫn đang được tranh luận. Có thể kể đến một số sản phẩm như Saccharin (ngọt hơn đường 300 lần, giá thấp hơn 1 cent/lb), Aspartame (ngọt hơn đường 160-220 lần, giá 8 cents/lb), Ace K (độ ngọt gấp 150-200 lần đường, giá 5 cents/lb), Suraclose (ngọt hơn đường 600 lần, giá hơn 20 cents/lb), Cyclamate (ngọt hơn đường 30-50 lần). Quy mô toàn cầu của thị trường này vào khoảng 1,2 tỷ USD.
Chính sách trợ giá của Chính phủ mỗi nước
Đường là sản phẩm đầu ra của mía/củ cải đường, tuy nhiên, ở một số quốc gia, giá mía/củ cải đường được trả cho nông dân không phản ánh theo biến động của giá đường. Do sự tác động từ chính sách của chính phủ lên giá mía/củ cải đường nhằm bảo vệ thu nhập cho nông dân mặc dù thị trường đường biến động.
Ở các nước Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam, chính phủ áp dụng quy định mức giá tối thiểu hoặc cố định đối với giá mía/củ cải đường. Điều này có nghĩa giá đường thế giới biến động không ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định thay đổi diện tích trồng mía/củ cải đường của nông dân các quốc gia này.
Các yếu tố khác
Ngoài những yếu tố trên, giá hợp đồng tương lai đường còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác như các thông tin về vĩ mô và chính trị. Hiểu được những yếu tố tác động đến giá của đường sẽ giúp nhà đầu tư phân tích biến động giá hợp đồng tương lai trên thị trường và đưa ra những chiến lược đầu tư hiệu quả.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Công Ty Cổ Phần Saigon Futures
- MST: 0315173341.
- Hotline: 028.6686.0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures.
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm.
- Trụ sở chính: 506 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
- VPGD Hà Nội: Tầng 9, Tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội.
- VPGD Sài Gòn: Tầng 1 tòa nhà Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.