
Báo cáo cập nhật HĐTL Dầu thô Tháng 04/2021
Nội dung chính
Tổng quan về HĐTL Dầu thô
Ngắn hạn: Làn sóng Covid-19 lần ba tại khu vực các nước Châu Âu cùng tiến trình triển khai vắc xin Covid-19 là những yếu tố cần quan tâm trong ngắn hạn.
Dài hạn: Trong dài hạn, nhu cầu đi lại tăng trong mùa hè dự kiến sẽ hỗ trợ tích cực đến triển vọng tiêu thụ xăng, từ đó hỗ trợ cho giá dầu thô WTI. Bên cạnh đó, quyết định của nhóm OPEC+ trong việc cân bằng cung cầu dầu thô toàn cầu cũng là yếu tố nên theo dõi.
Điểm nhấn báo cáo tháng 04/2021
Các bên phân tích đã đưa ra dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi trong giai đoạn nửa cuối năm 2021. Nhận định trên đang là yếu tố hỗ trợ mạnh nhất đối với thị trường dầu thô ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, thị trường cũng kỳ vọng nhu cầu đi lại vào giai đoạn mùa hè sẽ tăng, từ đó hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Thế nhưng làn sóng Covid-19 lần ba đang bùng phát trở lại tại khu vực các nước Châu Âu. Tiến trình triển khai vắc xin Covid-19 bị gián đoạn tạm thời khi vắc xin từ một số hãng dược phẩm gây ra tác dụng phụ. Trong thời gian tới, thị trường sẽ cùng theo dõi liệu thị trường dầu thô WTI sẽ nghiêng về hướng nào khi các yếu tố tăng giảm tác động đan xen đến thị trường.
Mùa hè – Mùa cao điểm đi lại
Trải qua 3 tháng đầu năm 2021, thị trường dầu thô đã khởi sắc hơn khi giá dầu thô WTI đã có thời điểm tăng lên vùng giá trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tiến trình triển khai vắc xin Covid-19 được đẩy mạnh, gói viện trợ kinh tế Mỹ trị giá 1.9 nghìn tỷ USD được thông qua cùng những động thái giữ nguồn cung dầu ổn định của nhóm OPEC+ đã hỗ trợ cho giá dầu thô.
Tuy nhiên, thị trường dầu thô tiếp tục gặp trở ngại khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng Covid-19 lần ba tại các nước Châu Âu. Mặc dù các nước Châu Âu cố gắng đẩy mạnh tiến trình triển khai vắc xin nhưng tốc độ tiêm chủng vẫn không đạt được như dự tính. Thêm vào đó, quá trình triển khai vắc xin từ hãng dược phẩm AstraZeneca bị gián đoạn khi vắc xin làm tăng nguy cơ đông máu. Vì tác dụng phụ của loại vắc xin này, một số nước Châu Âu đã tạm ngưng sử dụng vắc xin. Quá trình tiêm vắc xin gặp vấn đề trong khi các nước lại quá nóng vội để mở cửa nền kinh tế trở lại, kết quả là số ca nhiễm Covid-19 tại các nước Châu Âu liên tục tăng cao. Số ca nhiễm tăng lên với tốc độ chóng mặt đã khiến một số nước phải nhanh chóng thực hiện các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa đất nước. Làn sóng Covid-19 lần ba tại khu vực Châu Âu lại tiếp tục đặt ra câu hỏi lớn đối với triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang khá căng thẳng ở một số nước Châu Âu, phủ đám mây đen bao trùm lên nhu cầu tiêu thụ dầu thô nhưng mùa hè lại sắp đến gần (thông thường mùa hè sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm), thời điểm nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao trong năm. Vậy có thể nói, khá thú vị khi thời gian tới, thị trường sẽ cùng nhau đặt cược hướng đi tiếp theo đối với diễn biến giá dầu thô.
Sau những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 kể từ năm 2020, giá dầu thô đã khá chật vật phục hồi. Tuy nhiên, tháng 3/2021 ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp giá dầu thô WTI tăng điểm, giá đã bứt phá khỏi vùng giá trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng làn sóng Covid-19 lần ba diễn ra tại khu vực Châu Âu đang hạn chế đà tăng của dầu thô. Hiện giá dầu thô đang giao dịch trong vùng giá 60 – 65 USD/thùng.
Tương quan cung – cầu dầu thô toàn cầu
Dựa trên số liệu cập nhật mới nhất từ Báo cáo dầu thô tháng 4 của nhóm các nước OPEC, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ tăng trong 2 quý cuối năm 2021 khi kinh tế toàn cầu phục hồi nhờ những hỗ trợ đáng kể từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đà phục hồi nền kinh tế các nước có thể sẽ rõ nét hơn trong nửa cuối năm 2021 mặc dù làn sóng Covid-19 lần ba vẫn đang là mối lo ngại khá lớn tại Châu Âu. Mức tiết kiệm của hộ gia đình đã tăng cực mạnh trong giai đoạn các nước thực hiện phong tỏa, dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ vượt trội khi nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân tăng. Nhu cầu tiêu thụ xăng là một trong những nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu năng lượng phục hồi trong mùa hè năm nay.
Khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan (Ngoại trừ các nước Châu Âu), các nước OPEC+ cũng đã quyết định tăng dần sản lượng dầu thô khai thác kể từ quý 2/2021. OPEC+ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc cân bằng cung cầu dầu thô toàn cầu nhưng sau 4 tháng đầu năm 2021, các nước đang dần nới lỏng mức cắt giảm sản lượng dầu thô khai thác để cung ứng nguồn cung dầu nhiều hơn ra thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, giá dầu thô diễn biến tích cực trong giai đoạn đầu năm 2021 cũng khuyến khích các cơ sở khai thác dầu đá phiến tại Mỹ tăng sản lượng dầu khai thác.
Không chỉ các nước OPEC nâng dự báo triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong năm nay, Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ – EIA cũng nâng ước tính tổng nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong tháng 4 tăng nhẹ so với số liệu ghi nhận trong báo cáo tháng 3 và cải thiện rõ rệt so với năm 2020 (Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát).
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô từ các nước thuộc nhóm Non – OECD tiếp tục hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Download Báo cáo cập nhật Hợp đồng tương lai Dầu thô – Tháng 04/2021
File download: Báo cáo chào DN_HĐTL Dầu thô WTI_Tháng 4
Xem thêm các bài viết/báo cáo liên quan:
- Báo cáo WASDE – Cung cầu sản lượng mùa vụ thế giới tháng 04/2021
- Báo cáo cập nhật HĐTL Cao su | 12/4 – 16/4/2021
- Báo cáo cập nhật T3 – Hợp đồng tương lai Ngô
- Báo cáo cập nhật T3 – Hợp đồng tương lai Đậu tương
- Báo cáo cập nhật T3 – Hợp đồng tương lai Lúa mì
—————
CÔNG TY CỔ PHẦN SAIGON FUTURES
- Hotline: 0286 686 0068
- Email: dvkh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Công Ty Cổ Phần Saigon Futures
- MST: 0315173341
- Hotline: 028.6686.0068
- Email: cskh@saigonfutures.com
- Fanpage: Saigon Futures Inc.
- Youtube: Saigon Futures
- LinkedIn: Saigon Futures_Commodity Trading Firm
- Trụ sở chính: 506 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
- VPGD Hà Nội: Tầng 9, Tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
- VPGD Sài Gòn: Tầng 1 tòa nhà Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh